Chùa Khánh Hỷ > Phật sự Chùa Khánh Hỷ

Tiểu Sử Thượng Tọa Thích Minh Hạnh

  • 19:03
  • |
  • Thứ Năm, 03/04/2014

Tiểu Sử Thượng Tọa thượng Minh h Hạnh

I. Thuở Thiếu Thời

Thượng Tọa thượng Minh hạ Hạnh, thế danh là Phạm Văn Mai sinh năm Bính Thân (1956) tại Cần Giuộc Long An trong một gia đình nhiều đời theo Phật.

Khi còn thơ ấu Thượng Tọa thường theo mẹ đến chùa. Năm thượng tọa lên 9 tuổi, mẫu thân quy y cửa Phật thế phát xuất gia với Thượng Tọa Thích Giác Lập tại Tịnh Xá Ngọc Thủy thành phố Vũng Tàu tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và Thượng Tọa đã nương tựa cửa chùa từ đó.

II. Thời Kỳ Xuất Gia Học Đạo

Năm 1969 lúc lên 13 tuổi Thượng Tọa chính thức được thế phát xuất gia với cố Đại lão Hòa Thượng thượng Thiện hạ Hòa, và được đặt pháp danh là Minh Hạnh -  đời thứ 38 dòng Lâm Tế Gia Phổ. Năm sau được cho vào trường Trung Đẳng Phật Học Huệ Quang – Sài Gòn. Trong thời gian tu học tại đó với sự cần mẫn khác thường, hai năm sau tức là năm 1971, Ngài được thọ giới Sa Di.

Năm 1975, lúc mới tròn hai mươi tuổi, Thượng tọa được Bổn sư cho thọ giới Tỳ Kheo tại Tổ Đình Ấn Quang, thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 1975, Thượng tọa lên thăm mẫu thân là cố Ni sư Thích Nữ Tắc Hòa. Thượng tọa phụng dưỡng thân mẫu không lâu thì thân mẫu viên tịch. Nhận thấy không thể cắt đứt duyên Phật với đồng bào quanh vùng, Thượng Tọa quyết định ở lại hoằng hóa tại địa phương heo hút này.

Sau 6 năm trụ trì tại Khánh Hỷ, Ma Đa Guoi, ý nguyện tiếp tục học tập vẫn chưa nguôi, Ngài lại khăn gói xin vào học trường Cao Cấp Phật Học tại thành phố Hồ Chí Minh. Được chấp nhận vào học Khóa I – Trường Cao Cấp Phật Học, nay là Học Viện Phật Giáo tại thành phố Hồ Chí Minh, là một vinh hạnh thật lớn trong thời kỳ đó.

Suốt 4 năm miệt mài đèn sách từ năm 1982 đến 1986, Ngài vẫn không ngừng lên xuống Khánh Hỷ, vừa lo Phật sự tại địa phương, vừa tham gia đầy đủ bài khóa của trường. Trong thời kì khó khăn của đất nước thời đó, đây là sự nỗ lực hết sức phi thường.

Sau khi tốt nghiệp trường Cao Cấp Phật Học năm 1992, nhiều người đi về các nơi thành thị, thị tứ để nhận chùa, tiện bề hành đạo, Ngài vẫn gắn bó với mảnh đất nghèo  khó này.

III. Thời Kì Hoằng Hóa

Sau khi tốt nghiệp cử nhân Phật học, Thượng tọa bắt đầu phát triển Phật giáo tại địa phương. Trong điều kiện kinh tế  khó khăn  của đất nước, Thượng Tọa vẫn không ngừng gieo duyên hóa độ. Cả 3 huyện phía nam Lâm Đồng, toàn đồng bào Phật tử đi kinh tế mới, đường xá đi lại khó khăn, Thượng tọa vẫn bất kể nắng mưa, ngày đêm chăm lo Phật sự đồng bào.

Năm 1992, Thượng tọa cùng các đệ từ và bổn đạo khai nương làm rẫy tại  xã Hà Lâm đến nay đã kiến lập nên Niệm Phật Đường Khánh Lâm thuộc huyện Đạ Hoai. Thượng Tọa đã đi vào vùng sâu, vùng xa, đặt đá khai sơn các chùa Khánh Vân, Khánh Bảo, thuộc huyện Đạ Tẻh, các ngôi chùa này trở thành trung tâm Phật giáo của huyện.

Năm 1995, đặt viên đá đại trùng tu Chùa Khánh Hỷ

Năm 1996, thể theo nguyện vọng của Phật tử địa phương, được phép của chính quyền, Thượng tọa đã đặt đá khai sơn chùa Phước Lạc tại thị trấn Đạm Ri huyện Đạ Hoai.

Năm 1997, với lòng tín ngưỡng khát khao ánh đạo của Phật tử, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, Thượng tọa đã đặt đá khai sơn chùa Vạn Phuớc tại thị trấn Đồng Nai huyện Cát Tiên.

Không những giáo hóa người Kinh, với từ tâm lớn và đại nguyện, Thượng tọa đã thân cận, gần gũi với đồng bào K`Ho tại địa phương. Thấu hiểu nỗi vất vả của đồng bào, năm 2006, thượng tọa đã cho xây dựng nhà trẻ tình thương tại 2 xã đồng bào dân tộc là Đạm Loa và Đoàn Kết. Thượng tọa còn dự định xây dựng Niệm Phật Đường tại xã Đoàn Kết cho riêng đồng bào dân tộc K`Ho nữa.

Trong thời gian hoằng hóa, Thượng tọa cùng Ban Trị Sự thành lập Ban Đại Diện Phật Giáo huyện Đạ Hoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên và đảm trách chức vụ Ủy Viên Ban Trị Sự Tỉnh Lâm Đồng - Chánh Đại Diện Phật Giáo huyện Đạ Hoai từ năm 1992 đến nay.

IV. Thời Kì Cuối Cùng

Một đời gian nan, lao tâm khổ tứ, không một lúc thảnh thơi, ngơi nghỉ, hình ảnh nhà sư Minh Hạnh, áo nâu bạc thếch với đôi dép lào bước thấp bước cao, mang tâm nguyện của vị Bồ tát, bất kể ngày đêm, đi lại gieo duyên với đồng bào địa phương. Mang tâm hạnh của một vị Bồ Tát vô phân biệt, với hạnh nguyện độ tha cao cả, Ngài đã bất từ lao quyện, xông xáo nơi nơi, Phật sự cần thì đến, Phật sự thành lại ra đi.

Than ôi, tấm thân ngũ uẩn nào chịu nổi bao gian truân vất vả, nắng mưa đêm ngày làm hao gầy vóc hạc phù du. Mới 55 tuổi đời, Thượng tọa đã mang nhiều trọng bệnh, thế nhưng mãi đến ngày cuối cùng Thượng tọa vẫn vất vả bôn ba.

Vô thường lão bệnh nào chịu buông tha cho người mang tâm nguyện lớn. Thuận thế vô thường, dù được nhiều sự chăm sóc của các Bác Sĩ Bệnh Viện An Bình, Bệnh Viện Phạm Ngọc Thạch và môn đồ pháp quyến. Thượng Tọa buông xả báo thân, thâu thần tịch diệt lúc 15h30’ ngày mồng 7 tháng 4 Canh Dần, trong lúc đang chăm lo Phật sự tại địa phương chuẩn bị cho mùa Phật Đản Phật lịch 2554, hưởng thọ 55 tuổi đời, 43 tuổi đạo, 35 hạ lạp.

 

Nam Mô Lâm Tế Gia Phổ Chánh Tông Tam Thập Bát Thế, Khánh Hỷ Đường Thượng Pháp Húy thượng Minh hạ Hạnh, Thượng Tọa Giác Linh.