Chùa Khánh Hỷ > Phật sự Chùa Khánh Hỷ

Cảm Niệm Ân Sư Lễ Truy Điệu

  • 21:53
  • |
  • Thứ Sáu, 04/04/2014

HT Thích Pháp Chiếu – Trưởng Ban trị sự THPGLĐ, HT Thích Toàn Đức – Phó Ban thường trực BTS THPGLĐ, TT Thích Thái Thuận – Phó BTS, TT Thích viên Thanh phó ban trị sự THPGLĐ, TT Thích Không Trú – Phó BTS kiêm Chánh thư ký, cùng chư tôn thiền đức trong ban trị sư tỉnh hội phật giáo lâm đồng. TT Thích Thiện Bảo – Phó Tổng biên tập Báo Giác Ngộ,

Cảm niệm ân sư

Cố Thượng tọa thượng Minh hạ Hạnh

 

Kính bạch nhị vị HT Trưởng  và Phó BTS THPG tỉnh Lâm Đồng

Kính bạch chư TT, ĐĐ trong BTS THPG tỉnh LĐ, chư tôn đức tăng ni viện chủ, trụ trì các tự viện trong và ngoài tỉnh.

Kính thưa quý quan khách đại diện chính quyền địa phương sở tại và toàn thể quý đạo hữu phật tử.

Kính bạch giác linh cố TT bổn sư thượng Minh hạ Hạnh!

 

Chỉ còn vài phút nữa thầy sẽ mãi mãi rời xa chúng con trở về cõi Tây phương Cực lạc. Trước giây phút biệt ly này, chúng con kính xin thầy hoan hỷ bố thí cho phép chúng con – những đệ tử xuất gia của thầy – tưởng niệm đôi chút về những tháng năm thầy sống, hành đạo và dạy dỗ chúng con.

 

Kính bạch giác linh thầy,

 

Năm 1976, từ thành phố Sài Gòn, sau khi tốt nghiệp thủ khoa Trung đẳng Phật học viện Huệ Quang niên khóa cuối cùng và thọ cụ giới tại đại giới do chính cố đại lão HT bổn sư thượng Thiện hạ Hòa, viện chủ Tổ đình Ấn Quang (TPHCM) làm đàn chủ, thầy lên nơi rừng thiêng nước độc Madaguil thăm và phụng dưỡng cố thân mẫu Ni sư Thích Nữ Tắc Hòa.

 

Phụng dưỡng và báo hiếu một thời gian thì cố thân mẫu của thầy bất ngờ viên tịch. Tuổi đời thầy khi ấy còn rất trẻ, nhưng với lòng hiếu đễ son sắc và với tình thương bà con phật tử vô biên, thầy đã phát thệ nguyện nối gót thân mẫu, quyết chí trụ lại tại ngôi chùa Khánh Hỷ nhỏ bé tu học, hướng dẫn đời sống tinh thần cho đồng bào phật tử địa phương và sớm chiều hương khói cho giác linh cố thân mẫu. Trong sâu thẳm ký ức, con vẫn nhớ như in vài câu thơ thầy cảm nhận bằng tinh thần lạc quan về cảnh chùa Khánh Hỷ ngày xưa mà thầy đã đọc cho con nghe khi con còn thơ ấu.

 

Khánh Hỷ chùa tôi nghèo xơ xác

Mái tranh hàng cột đứng siêu siêu

Tháng năm dầu dãi bao mưa nắng

Tiếng kệ lời kinh chẳng đổi thay.

 

Đường xuống rồi lên đến đỉnh đồi

Hàng mai dẫn đến mái chùa tôi

Trước sân hương sứ hương ngào ngạt

Bên hàng mít lão lá xanh tươi…

 

Trong những năm cuối thập niên 70 và thập niên 80 của thế kỷ 20, chùa mình thật nghèo, phật tử lác đác, đời sống kinh tế của người dân Đạ Huoai còn đói khổ, thầy sớm chiều cuốc ruộng trồng lúa trước chùa và trồng rau lang xung quanh chùa để tự cung tự cấp cho chùa. Mỗi vụ lúa thu hoạch được vài tạ lúa. Lúa phơi chưa kịp khô thì đã có người đến mượn khéo. Do lòng thương người vô bờ, nên bất cứ ai đến chùa mượn lúa,  mượn gạo thầy cũng cho, dù thầy biết rõ rằng họ chẳng bao giờ trả lại cho chùa. Có khi trong thùng gạo của chùa chỉ còn vài ba ký, chỉ đủ ăn cầm hơi vài ngày, thiên hạ đến mượn, thầy vét sạch thùng gạo đưa họ mang về nhà. Họ có ngờ đâu ngay sau đó, thầy phải ra vườn hái mít, hái ổi, hái rau lang luộc ăn thay cơm.

 

Mẹ mất, thầy thay mẹ đưa bà ngoại về chùa phụng dưỡng, báo hiếu. Bà ngoại tuổi sức yếu không thể đi đứng nằm ngồi. Không ngại ngần sự ô uế, thầy hàng ngày bế bồng chăm sóc ngoại một cách chu đáo cho đến khi ngoại quy Tây. Gương hiếu đễ của thầy đối với ngoại khiến ai ai nhìn vào cũng cảm động và trở thành bài học sống động cho tất cả chúng con và hàng phật tử noi theo.

 

Bên cạnh việc làm tròn bổn phận hiếu đễ đối với mẹ và ngoại, thầy cũng rất thương người dân địa phương ngày ngày lam lũ lên rừng kiếm sống bị tật bệnh. Mỗi ngày thầy dang rộng cánh tay thương yêu cứu chữa hàng chục bệnh nhân không tiền mua thuốc, không tiền đến bệnh viện. Với tâm không phân biệt tôn giáo, giàu nghèo sang hèn, thầy đã cứu chữa cho hàng ngàn người dân địa phương bằng một cây kim lể và một bộ kim châm cứu duy nhất.

 

Năm 1982, một số phật tử nghĩ rằng thầy không chịu nổi sự cực khổ nên đã từ bỏ chùa Khánh Hỷ ra đi. Không, sự thật không như họ tưởng. Vì hiếu học, thầy tạm thời gác lại việc chăm sóc chùa chiền về TP. Hồ Chí Minh đảnh lễ xin đại lão HT Thích Minh Châu cho phép thầy theo học 4 năm tại Trường Cao cấp Phật học Việt Nam (nay là Học viện PGVN) niên khóa 1. Học xong, thầy lại trở về cáng đáng phật sự của chùa hơn xưa.

 

Vốn bản tính khiêm cung, không thích phô trương trình độ học vấn của mình, nên hầu như rất ít người biết rằng thầy có khả năng đọc và hiểu một cách chính xác các văn bản bằng tiếng Hán, tiếng Anh và tiếng Pháp, dù thầy chẳng có một mảnh bằng cấp nào trên tay và cũng chẳng học tại bất kỳ một trung tâm sinh ngữ nào. Tất cả vốn kiến thức ấy đều do thầy tự trau dồi đều đặn mỗi ngày.

 

Trong thập niên 1990, đất nước chuyển sang thời kỳ kinh tế thị trường, đời sống nhân dân dần dần cải thiện. Không để lỡ vận hội ấy, thầy bắt đầu nghĩ đến việc hoằng pháp lợi sinh với quy mô rộng lớn hơn. Thầy khởi công đại trùng kiến chùa Khánh Hỷ tráng lệ như ngày hôm nay. Thầy sớm khuya đi ra đi vào huyện Đạ Tẻh khai sáng chùa Khánh Vân, chùa Khánh Bảo, sáng lập và xây dựng chùa Phước Lạc ở thị trấn Đạm Ri.

 

Đặc biệt, trong suốt thời gian khai sơn và xây dựng chùa Vạn Phước huyện Cát Tiên, thầy phải trải qua biết bao chông gai, thách thức cả về thể xác lẫn tinh thần. Thầy chẳng những vất vả hoạt động chạy xuôi chạy ngược như con thoi, sáng Đạ Huoai, chiều Cát Tiên, mai TP. Hồ Chí Minh, để vận động tài chính xây chùa, mà còn phải đương đầu với những lời dèm pha, đố kị của các phần tử thường sống tranh danh đoạt lợi.

 

Vì khao khát muốn đem ánh sáng Phật pháp đến vùng xa xôi hẻo lánh Cát Tiên, thầy đã hy sinh đến độ bị tai nạn giao thông, làm tổn thương đến dung mạo. Trên thân thể thầy vẫn còn những vết tích của những tháng năm cống hiến cho công tác khai sơn tạo tự, rộng độ chúng sinh. Nhọc nhằn, vất vả như thế, nhưng sau khi hoàn thành tâm nguyện tại vùng đất Cát Tiên chẳng bao lâu, thầy lại tâm huyết xây dựng hai nhà trẻ tình thương cho con em bà con dân tộc thiểu số ở xã Đạm Loa và xã Đoàn Kết, xây dựng niệm Phật đường Khánh Lâm xã Hà Lâm, và đang xin phép xây dựng niệm Phật đường tại xã đoàn kết v.v.

 

Cùng với việc khai sơn tạo tự và truyền thọ tam quy ngũ giới cho hàng ngàn Phật tử tại 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, thầy đã từ tâm thế phát xuất gia cho trên 30 huynh đệ chúng con. Cho đến hôm nay, trong số các đệ tử xuất gia được thầy chăm sóc dạy dỗ giáo huấn, một số đã thành nhân, một số đang tiếp tục con đường tu học.

 

Kính bạch giác linh thầy!

 

Chúng con xúc động biết bao trước sự hiện của nhị vị Hòa thượng trưởng và phó Ban trị sự THPG tỉnh Lâm Đồng, của chư tôn TT, ĐĐ trong BTS, của chư tôn đức Tăng Ni viện chủ, trụ trì các tự viện trong và ngoài tỉnh, của đại diện chính quyền, và của quý đạo hữu, phật tử xa gần trong tang lễ. Sự hiện diện ấy cho thấy rằng, những cống hiến đầy ý nghĩa của thầy trong suốt 34 năm hành đạo tại 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên đã được ghi nhận.

 

Chúng con cảm thấy thật tự hào được làm đệ tử, làm con của thầy. Nhưng đời vốn vô thường, thầy đã vội quy Tây, để lại một khoảng lặng, một khoảng không trống vắng trong sâu thẳm cõi lòng chúng con. Từ đây, “biển pháp mênh mông ai đưa đường dẫn lối? Rừng Thiền cô tịch biết ai sớm tối dắt dìu?” Thật là mất mát vô cùng to lớn đối với chúng con. Ân đức sâu dày của thầy đối với chúng con, ngày nay chúng con vẫn chưa kịp đáp đền.

 

Kính lạy giác linh thầy!

 

Tưởng niệm công đức sâu dày của thầy là tưởng niệm về hình ảnh một vị chân tăng, sống đời giản dị, chân chất, đã tận lực cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp hóa độ quần chúng phật tử nơi vùng sâu, vùng xa.

 

Cảm niệm thâm ân giáo dưỡng của thầy là cảm niệm về những giá trị sống mà thầy đã thể hiện bằng thân giáo trong cuộc sống thường nhật. Những giá trị sống ấy sẽ là hành trang, là tư lương, là bài học quý giá cho tất cả huynh đệ chúng con trên con đường tu học, phụng sự nhân sinh sau này.

 

Giờ này, quỳ trước giác linh thầy, chúng con tin rằng trong số tất cả các huynh đệ đệ tử của thầy ở đây, chắc chắn có người, ngay cả bản thân con, ít nhiều đã có hành vi, ngôn từ bất kính, vô lễ làm đau lòng thầy. Chúng con thành tâm đảnh lễ sám hối thầy tam bái. Chúng con kính xin giác linh thầy từ bi hỷ xả cho những lỗi lầm không nên có của chúng con trước đây.

 

Chúng con nguyện đoàn kết bên nhau, chăm lo phật sự tại những nơi thầy đã khai sáng. Chúng con hứa sẽ cố gắng trong khả năng có thể, thực hiện tất cả những tâm nguyện của thầy còn dang dở trước lúc thầy vĩnh biệt chúng con hồi quy Tây phương thắng cảnh.

 

Nam mô Lâm Tế Gia Phổ chánh tông tam thập bát thế, Khánh Hỷ đường thượng, sáng lập Phước Lạc Tự, Khánh Vân Tự, Khánh Bảo Tự, Vạn Phước Tự Ma ha Sa môn Tỳ kheo Bồ tát giới pháp húy thượng Minh hạ Hạnh, thế danh: Phạm Văn Mai Thượng tọa bổn sư giác linh thiền tọa hạ thùy từ chứng giám.

Nam mô Chứng Minh Sư Bồ-tát Ma ha tát tác đại chứng minh.

 

Đệ tử Tỳ kheo Thích Như Bình cẩn chí